Các vết bỏng dù nặng hay nhẹ cũng đem lại sự ảnh hưởng nhất định đối với con người. Và cảm giác đau rát do bỏng thì hầu hết mọi người đều cảm nhận được. Vậy bạn đã biết cách làm giảm đau rát khi bị bỏng chưa? Cùng tham khảo một số bí quyết đơn giản, dễ áp dụng mà cho kết quả tốt trong bài viết dưới đây:
Nội dung
Sơ cứu vết bỏng do nước nóng hoặc do lửa
Bỏng là một trong những tai nạn thường gặp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Có nhiều nguyên nhân ẫn đến tình trạng này nhưng nguy hiểm và để lại những biến chứng nặng thì hầu hết là do bỏng nước nóng hoặc bỏng do lửa. Chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất về sơ cứu vết thương do bỏng nhằm giảm thiểu tối đa tổn thương gây ra với diện tích và mức độ ảnh hưởng là nhỏ nhất. Điều này vừa giúp người bị bỏng bớt đau rát và phục hồi tốt hơ sau này. Khi gặp người vừa bị bỏng bạn cần thực hiện các bước sơ cứu sau:
- Loại bỏ nguyên nhân gây bỏng. Bạn cần xác định nguyên nhân dẫn đến bỏng là gì thì điều đầu tiên cần làm đó là đưa người bị bỏng cách xa khỏi đó. Đối với trường hợp bỏng lửa thì bạn cần chú ý hơn, dùng cát, nước, áo khoác, áo choàng, chăn… để dập lửa. Dùng tay xé bỏ những vật còn đang dẫn lửa cháy âm ỉ trên người nạn nhân như quần áo. Nếu cháy vẫn còn lớn thì dùng mảnh vải to, chăn, khăn thấm nước choàng lên người nạn nhân và đưa họ ra khỏi đám cháy.
- Dùng nước nguội sạch, nhiệt độ vừa phải, không quá lạnh để làm sạch các vết bỏng tránh nhiễm khuẩn. Sau đó đưa vết thương ngâm vào nước mát hoặc xả nhẹ trực tiếp dưới vòi nước sạch để giúp giảm đau rát, tránh tình trạng chảy nước, sưng tấy, giảm nhiệt độ nơi đó tránh vết bỏng ăn sâu thêm vào da thịt.
- Dùng gạc sạch, vô khuẩn hay bất cứ miếng vải nhỏ sạch nào che lên miệng vết thương để tránh tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn ngoài môi trường. Di chuyển đến nơi có đầy đủ dụng cụ y tế với tiếp tục xử trí.
- Đánh giá mức độ tổn thương của bỏng. Với các trường hợp vết bỏng vừa và nhẹ, diện tích hẹp thì có thể tự liền bằng cách sử dụng thuốc bôi tại nhà. Còn các trường hợp bỏng nặng, diện tích bề mặt lớn hay vết bỏng ăn sâu vào trong thì cần đến bệnh viện, cơ sở y tế điều trị tiếp sau bước sơ cứu ban đầu.
Cách làm giảm đau rát khi bị bỏng là gì? Với người bị bỏng mà quần áo cháy, tiếp xúc với lửa thường hoang mang, hoảng loạn thì chúng ta cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Lôi kéo sự chú ý của người bị bỏng, khiến cho họ không được chạy quanh vì nguy cơ tiếp xúc với các nguồn dẫn cháy khác càng tăng.
- Cho người bỏng nằm trên sàn đất, hướng mặt vết thương lên trên.
- Dùng khăn lớn, vải, chăn ngay lập tức phủ lên toàn thân người bị tai nạn nhất là vị trí còn đang cháy để dập lửa. Không dùng các chất liệu dễ bắt lửa như nilon.
- Nếu lữa vẫn cháy thì cần nói cho họ biết phải lăn đi lăn lại nhiều vòng trên đất dập lửa. Hoặc dùng khăn to thấm đẫm nước phủ lên.
- Không cởi đồ trên người bị nạn vì nếu không biết cách càng làm tổn thương lan rộng. Với các trường hợp nặng như thế này cần gọi cấp cứu đến càng nhanh càng tốt.
Phân loại các mức độ bỏng
Đối với bỏng, người ta có phân loại theo các cấp độ tổn thương mà bỏng gây nên. Chúng ta cần nhận định được mức độ bỏng để biết được là cấp độ nhẹ thì có thể tự điều trị tại nhà một cách đơn giản. Còn cấp độ nặng nhất định phải đến các cơ sở y tế để xử trí.
- Cấp độ I: Đây là cấp độ nhẹ nhất. Tổn thương chỉ ảnh hưởng đến lớp biểu bì trên bề mặt da. Nhận biết người bị bỏng cấp độ I bằng cách: Vùng da bỏng không bị trầy xước, chỉ tấy đỏ nhẹ, hơi sưng. Người bị bỏng có cảm thấy đau rát. Khi vết thương lành có hiện tượng bong tróc da, khô mà không chảy dịch. Vết bỏng nhanh lành và thường không để lại sẹo. Ở mức độ này bạn có thể tự điều trị tại nhà được.
- Cấp độ II: Tổn thương nghiêm trọng hơn cấp độ I. Xuất hiện hiện tượng phồng rộp da, đau rát nhiều, có bọng nước và chảy nước khi bong vỡ. Nguy cơ gây nhiễm trùng. Vì vậy người bị bỏng cần được chăm sóc vết bỏng đúng cách tránh nhiễm trùng thứ phát.
- Cấp độ III: Đây là mức độ nặng nhất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Vết thương ăn sâu xuống lớp dưới da, ảnh hưởng đến thần kinh cũng như các cơ quan khác của cơ thể. Diện tích bỏng càng lớ càng nguy hiểm. Người ta nhận định bỏng diện tích trên 15% ở người lớn và trên 8% ở trẻ em là tình trạng nghiêm trọng. Phần da bỏng chuyển sang màu trắng hoặc nâu sẫm. Cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế. Có trường hợp vết bỏng sâu vào tận gân, xương.
- Cấp độ IV: Tổn thương rất nặng. Đặc trưng là cứng như than cháy, các mạch máu bị tắc nghẽn và mất đi dấu hiện của sự sống tại vùng đó.
Mẹo làm giảm đau rát khi bị bỏng nhẹ
Dưới đây là cách làm giảm đau rát khi bị bỏng:
Nước lạnh
Với các vết bỏng vừa và nhẹ thì cách làm giảm đau rát tốt nhất đó làm bạn xối nhẹ nhàng, trực tiếp dòng nước mát lên vị trí tổn thương. Đây là cách làm đơn giản, không tốn kém, có thể áp dụng ngay lập tức mà không cần chuẩn bị thêm gì. Cách này có tác dụng làm giảm nhiệt độ vết bỏng, giảm sưng tấy. Sau đó bạn có thể dùng miếng gạc thấm nước mát đắp lên vết thương trong vòng vài phút.
Khoai tây
Một số người thì lại sử dụng khoai tây để làm giảm đau rát rất hiệu quả. Đầu tiên bạn cần rửa sạch vỏ khoai tây. Dùng dao thái thành các lát mỏng rồi đắp lên vết bỏng đang đỏ. Loại củ này có đặc tính làm dịu và tránh gây kích ứng da. Sau khi bị bỏng đắp lên sẽ làm giảm nguy cơ bị nổi lên các mụn nước. Vết thương sẽ nhanh lành hơn. Bạn để lát khoai trên da 15 phút sau đó bỏ ra hoặc đổi miếng khác. Lưu ý không dùng cho vết thương hở.
Kem đánh răng
Một mẹo mà các chị em thường chỉ cho nhau để trị các vết bỏng nhẹ đó là dùng kem đánh răng. Nhất là các loại kem đánh răng có thành phần bạc hà. Chúng ta đều biết bạc hà có tính the mát sẽ làm giảm nhiệt độ vết bỏng một cách nhanh chóng. Ngoài ra nó còn giúp gây tê cho các đầu mút thần kinh tại vị trí bỏng. Từ đó người bị cũng cảm thấy dễ chịu hơn và không còn đau rát nữa. Cách làm là lấy kem đánh răng, thoa một lớp dầy bao phủ lên vị trí bỏng đỏ. Đợi khoảng 5 – 10 phút khi thấy hết hơi lạnh thì rửa nhẹ nhàng dưới nước sạch.
Mật ong
Đây là một nguyên liệu khá quen thuộc trong gian bếp của mỗi gia đình. Mật ong được biết là một chất có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và liền sẹo rất tốt. Người ta thường sử dụng nó với tinh bột nghệ cho những người bị viêm loét dạ dày. Ngoài ra mật ong còn dùng trong các trường hợp bỏng nhẹ rất tốt. Dùng miếng bông gạc sạch, thấm một chút mật ong cho ướt. Đắp lên vị trí vết bỏng. Đợi khoảng 15 phút thì tháo ra rửa sạch. Một ngày bạn có thể làm như vậy 3 – 4 lần giúp vết bỏng đỡ đau rát và nhanh khỏi hơn.
Lô hội
Lô hội còn được gọi là cây nha đam. Ở một số gia đình được trồng làm cây cảnh nhưng nó không chỉ sử dụng để làm cảnh không mà có rất nhiều tác dụng trong cuộc sống hàng ngày ít ai biết được. Nếu trong nhà bạn không may có ai bị bỏng nước sôi hay bỏng do cầm đồ vật nóng nhẹ thì có thể sử dụng lô hội để giảm đau rát, chữa lành vết thương hiệu quả. Cắt lấy một lá của cây lô hội rồi đem rửa sạch. Dùng dao cắt lấy một miếng lá to như lòng bàn tay, bóc lớp vỏ ngoài đi và lấy phần keo bên trong đắp trực tiếp lên vị trí vết bỏng đang tấy đỏ. Giữ khoảng 10 – 15 phút rồi rửa sạch. Một ngày bạn có thể làm như vậy 2- 3 lần.
Thuốc tây y
Nếu đau rát gây ảnh hưởng nhiều khiến bạn khó chịu thì bạn cũng có thể sử dụng các thuốc tây y có tác dụng giảm đau, chống viêm như ibuprofen, acetaminophen. Các thuốc này có thể mua tại hiệu thuốc. Một số loại kem dưỡng da có tác dụng mát da, giảm kích ứng, nhanh liền sẹo cũng giúp ích rất tốt trong trường hợp này.
Bỏng miệng, lưỡi do ăn, uống phải đồ quá nóng thì phải làm gì?
Ngoài các các loại bỏng đã được nhắc đến ở trên thì có một vài trường hợp đặc biệt cũng gây bỏng ở mức độ nhẹ mà chúng ta rất hay gặp phải như bỏng lưỡi, bỏng ở miệng do ăn phải đồ ăn quá nóng. Mặc dù không nguy hiểm những người bị khá là khó chịu. Cách làm giảm đau rát khi bị bỏng do ăn đồ nóng là:
- Uống ngay một cốc nước mát nhằm làm hạ nhiệt độ xuống ngay lập tức. Tránh cho nổi các mụn nước hay phồng rộp trong miệng. Sau đó uống một cốc nước mát lạnh.
- Có thể thay nước mát bằng một cốc nước ép lô hội hay một cốc sữa tươi. Điều này cũng có tác dụng tương tự như trên.
- Cần lưu ý khi ăn về nhiệt độ của thức ăn tránh các trường hợp này xảy ra.
Làm gì khi bị bỏng ớt ở tay, mắt và miệng để bớt đau rát
Ớt là một nguyên liệu nấu ăn trong nhà bếp. Với những loại ớt cay khi chế biến không cẩn thận dụi lên mắt, ở tay hay ăn phải đều khiến chúng ta thấy cay, nặng hơn là có hiện tượng bỏng rát. Nhất là đối với trẻ em đôi khi nghịch ngợm phải ớt thì rất nguy hiểm. Do trong ớt có chất gọi là Capsaisin là một thành phần của bình xịt hơi cay mà chúng ta vẫn biết. Khi này bạn cần xử trí một cách nhanh chóng:
- Nếu bị bỏng ở miệng thì bạn cần cho trẻ uống ngay một cốc sữa tươi. Chất béo và chất dầu trong sữa sẽ trung hòa với capsaisin ngay lập tức.Ngoài ra bạn có thể ngậm dầu dừa, dầu oliu hay ăn một số loại trái cây tính mát như dưa chuột, một lát chanh nhỏ,…
- Bỏng ớt trên da: Dùng xà phòng rửa bát rửa ngay, xà phòng sẽ trung hòa capsaisin thành muối nên giảm đau rát ngay lập tức. Sau đó rửa sạch bằng nước. Có thế thay thế bằng cồn sát trùng, vaseline, hay ngâm da vào bát sữa lạnh có thả một vài cục đá.
- Cay mắt do ớt: Để hạn chế xảy ra thì trong và sau khi cắt ớt tránh tuyệt đối không được đưa tay lên vùng mắt. Sau khi thái thì dùng xà phòng rửa bát rửa sạch tay. Khi bị cay thì nhờ người khác lấy sữa tươi thoa vào vùng mắt, dùng bông tẩy trang đắp lên khoảng 5 – 10 phút. Nếu không thấy giảm nhẹ thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để xử trí.
Lưu ý không thể bỏ qua khi xử trí vết bỏng
Các vết thương do bỏng cần được xử trí một cách khoa học mới có thể nhanh khỏi. Mục đích của các biện pháp là làm giảm đau rát sau đó thì cần điều trị nhằm làm giảm các tổn thương trên da để đảm bảo về mặt thẩm mỹ. Vì vậy chúng ta cần lưu ý:
- Các mẹo trên chỉ là cách làm giảm đau rát cho vết bỏng trong thời gian ngay sau khi bị bỏng. Sau đó chúng ta cần sử dụng các thuốc bôi chuyên dùng có tác dụng chống nhiễm trùng, nhanh lành vết thương, mờ sẹo để điều trị tiếp. Quan niệm bôi kem đánh răng, mỡ trăn,…lâu dài chỉ làm tình trạng bỏng nặng hơn và nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng.
- Chỉ dùng nước mát xối trực tiếp lên vết bỏng nhằm làm hạ nhiệt độ tránh ăn sâu thêm vào da. Không được sử dụng nước đá hay đá lạnh. Vì sự chệnh lệch nhiệt độ quá lớn dẫn đến tình trạng co kéo cơ vùng tổn thương và vùng da xung quanh khiến cho vết thương nghiêm trọng hơn, dễ viêm loét. Và hơn hết là bỏng lạnh có thể diễn ra kết hợp cùng.
- Sau khi xử trí sạch sẽ viết thương thì cần tránh tiếp xúc vào vết thương các vật như quần áo, trang sức để cọ xát gây đau.
- Đối với các vết bỏng nhẹ, không trầy xước trên da chúng ta có thể sơ cứu bằng cách bôi những chất có tác dụng làm mát hay hạ nhiệt độ như kem đánh răng, lô hội, mỡ trăn… giảm đau. Nhưng với các vết thương nặng, có hở da thì không bôi tránh nguy cơ nhiễm trùng. Sơ cứu ban đầu nếu sai cách thì càng làm quá trình điều trị sau đó trở nên khó khăn hơn.
Chắc hẳn bạn đã biết được cách làm giảm đau rát khi bị bỏng rồi đúng không? Nhưng hơn hết khi làm bất cứ điều gì bạn cần chú ý đến an toàn của bản thân để không bị bỏng. Đó là cách phòng ngừa tốt nhất.