Top 5 các làng nghề truyền thống ở Hà Nội có tuổi đời hàng trăm năm

  Cuộc sống muôn màu

Thành phố Hà Nội là trung tâm văn hóa chính trị lớn của cả nước. Ngày nay, sự phát triển về khoa học kỹ thuật dần làm mai một các làng nghề truyền thống trên cả nước. Vậy nhưng ở Hà Nội vẫn có những ngôi làng mà người dân ở đây vẫn quyết tâm bám trụ với những gì cha ông bao đời truyền lại cho cháu. Họ phát đi theo hướng đổi mới để phù hợp với nhu cầu thị trường nhưng vẫn giữ được cho mình nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Cùng chúng tôi tìm hiểu về top 5 các làng nghề truyền thống ở Hà Nội có tuổi đời hàng trăm năm trong bài viết dưới đây:

Làng gốm Bát Tràng- Gia Lâm

Nhắc đến các làng nghề truyền thống nổi tiếng bậc nhất ở Hà Nội từ xưa đến nay không thể không kể đến làng gốm Bát Tràng. Ngôi làng nhỏ nằm ven con sông Hồng với đất phù sa màu mỡ. Nơi đây thuộc địa phận huyện Gia Lâm, nằm ở ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố 14km.

Nghề làm gốm ở làng Bát Tràng, Gia Lâm

Nghề làm gốm ở làng Bát Tràng, Gia Lâm

Cái tên Bát Tràng có từ thời Lê, vốn là tên ghép lại từ hai làng gốm nổi tiếng nước ta thời bấy giờ là làng Bồ bát xứ Thanh và vùng đất Minh Tràng. Làng được xây dựng dựa trên sự hội nhập của 5 dòng họ lớn gồm Nguyễn, Trần, Vương, Lê, Phạm vốn là 5 dòng họ gốm nổi tiếng. Họ đã nhóm họp và quyết định đưa một số nghệ nhân, thợ gốm, con cháu trong dòng tộc có tay nghề tốt đến lập nghiệp ở kinh thành Thăng Long. Họ xây làng, mở đường, phát triển nghề gốm theo hình thức cha truyền con nối. Từ đó đến nay làng gốm Bát Tràng đã có hàng trăm năm lịch sử với những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao cùng tính ứng dụng lớn.

Sở dĩ những sản phẩm ở Bát Tràng được đánh giá cao và có giá trị lớn trên thị trường chính vì mỗi sản phẩm chính là một tác phẩm nghệ thuật. Qua 500 năm làm nghề và phát triển, đúc rút ra những kinh nghiệm quý báu thì những nghệ nhận ở đây đã xây dựng được quy trình kỹ thuật tạo lớp men cùng kỹ thuật lò nung chuẩn xác vô cùng. Sau khi hoàn thành phần thô, họ lại tiếp tục một công việc nghệ thuật khác là thổi “linh hồn”. Nhờ vậy mỗi một tác phẩm đều có sự hài hòa về bố cục, màu sắc cho thấy sự tinh tế của bàn tay tài hoa người nghệ nhân làm gốm. Chính vì vậy thương hiệu gốm Bát Tràng được đánh giá cao trên thị trường cả trong lẫn ngoài nước.

Các sản phẩm đồ gốm được hoàn thiện một cách tinh tế

Các sản phẩm đồ gốm được hoàn thiện một cách tinh tế

Nếu có dịp ghé thăm Hà Nội, nhất định không thể bỏ qua những trải nghiệm ở làng gốm Bát Tràng. Một trong các làng nghề truyền thống ở Hà Nội. Tới đây bạn có thể tham gia nhiều hoạt động thú vị như tìm hiểu cách thức làm gốm và tham gia quá trình nặn gốm, và biết đâu bạn lại có năng khiếu trong lĩnh vực này, tạo ra những sản phẩm đáng yêu. Dạo quanh một vòng chợ Bát Tràng với rất nhiều sản phẩm hấp dẫn, mua cho mình một vài món đồ ưng ý. Hay bạn có thể tham quan đình làng gốm Bát Tràng, nhà Vạn Vân nơi lưu trữ hơn 400 món đồ gốm có lịch sử từ thế kỉ XIV đến thế kỉ XV.

Cách di chuyển đến làng gốm Bát Tràng:

  • Xe bus: Là phương tiện công cộng rẻ và tiện lợi nhất. Từ các địa điểm khác nhau ở Hà Nội , bạn bắt xe đến điểm trung chuyển Long Biên. Sau đó bắt xe 47 đi Bát Tràng. Ngồi trên đó thoải mái đợi tới điểm dừng Bát Tràng.
  • Phương tiện cá nhân: Chọn theo hướng đi cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy hay cầu Thanh Trì rồi men theo đê sông Hồng. Khi thấy biển báo làng gốm Bát Tràng thì rẽ vào.

Làng lụa Vạn Phúc – Hà Đông

Một trong những làng nghề cổ nhất ở Hà Nội nói riêng và nước ta nói chung đó là làng lụa Vạn Phúc. Lụa Vạn Phúc còn được biết đến với tên gọi nổi tiếng lụa Hà Đông. Hầu hết các sản phẩm lụa Hà Đông đều được sản xuất từ Vạn Phúc nhưng khi gọi như vậy để có địa giới rộng hơn. Nơi này cách trung tâm thành phố 10 km.

Phố lụa làng Vạn Phúc

Phố lụa làng Vạn Phúc

Theo những tài liệu nghiên cứu cũng như di vật cổ còn để lại thì nghề dệt lụa ở đây đã có cách nay khoảng 1.000 năm lịch sử. Tức là vào khoảng đầu thế kỉ XIII. Xưa kia nó có tên là Vạn Bảo, nhưng sau đó để tránh kị húy với vua nhà Nguyễn nên đổi tên là Vạn Phúc. Lần đầu tiên lục Vạn Phúc được đem ra giới thiệu ở thị trường quốc tế là năm 1931 tại hội chợ Marseille và được thương nhân người Pháp đánh giá rất cao về chất lượng cũng như độ tinh xảo. Đến năm 1958, sau khi hoàn tất các thủ tục, lụa Vạn Phúc đã theo tàu biển xuất sang các nước Đông Âu.

Nguyên liệu được sử dụng để làm ra những tấm lụa mềm mại, sờ vào mịn và mát như vậy là sợi tơ tằm. Những người thợ thủ công phải thực hiện rất nhiều công đoạn như tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, phơi căng,…mới cho ra tấm vải óng ả, lấp lánh đến vậy. Họ luôn phải ở cạnh bên để quan sát ngay cả khi có sử dụng đến máy móc.

Các sản phẩm của lụa Vạn Phúc rất đa dạng về màu sắc và họa tiết. Nổi tiếng nhất là lụa Vân, tức là có hình hoa văn nổi thì bóng mịn trên bề mặt lụa, chìm thì sẽ lấp lánh dưới ánh sáng. Chất lượng lụa Vạn Phúc có sự khác biệt hoàn toàn so với những nơi khác, nhất là lụa được nhập về từ Trung Quốc thì kém xa. Các xưởng dệt và cửa hàng lớn ở đây có thể kể đến như xưởng dệt nghệ nhân Triệu Văn Mão, cửa hàng lụa Vạn Xuân…

Các sản phẩm thủ công độc đáo tại Vạn Phúc

Các sản phẩm thủ công độc đáo tại Vạn Phúc

Đến Vạn Phúc ngày nay bạn vẫn còn nghe thấy những tiếng cạch cạch nặng trịch của máy dệt. Điểm chung đó là nó xuất phát từ những ngôi nhà luôn cửa đóng then cài. Đây chính là nguồn gốc của những tấm lụa đẹp nhất nhì trên thị trường. Bạn cũng có thể xin ghé vào tham quan nhà xưởng cùng các công đoạn dệt vải.

Làng Vạn Phúc hiện nay vẫn giữ được cho mình nét hoài cổ từ những công trình kiến trúc như đình làng, miếu, chùa Vạn Phúc một số hộ gia đình dệt truyền thống. Nhằm thu hút du khách, chính quyền địa phương đã đầu tư lại cơ sở hạ tầng, cho sửa sang lại các tuyến phố gồm phố lụa, phố đi bộ, phố đồ cổ. Đặc biệt trên con đường phố cổ được che kín bởi những chiếc ô đầy màu sắc, là địa điểm check – in tuyệt vời của những du khách.

Cách di chuyển đến làng lụa Vạn Phúc:

  • Xe bus: Có rất nhiều các tuyến xe bus đi qua cổng làng Vạn Phúc như xe 19, 33, 22C, 57, 89.
  • Phương tiện cá nhân: Từ trung tâm thành phố bạn có thể di chuyển thẳng theo đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) đến Bưu điện Hà Đông thì rẽ phải, đi qua cầu Am là tới, làng ở bên phải hướng đi của bạn. Một tuyến khác đó là đi thẳng tuyến đường Lê Văn Lương hướng Tố Hữu, đến ngã ba Tố Hữu rẽ trái, làng lụa nằm bên tay phải hướng đi.

Làng mây tre đan Phú Vinh – Chương Mỹ

Mây tre đan là một trong những nghề thủ công truyền thống có vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển thủ công – mỹ nghệ nước ta. Làng nghề mây tre đan Phú Vinh nằm ở địa phận xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ đã có từ lâu đời. Nó nằm trên trục đường quốc lộ 6A nối liền thủ đô với các tỉnh miền núi phía Bắc. Nơi này cách trung tâm thành phố Hà Nội 35km về phía Tây Nam. Đây là một trong các các làng nghề truyền thống ở Hà Nội .

Các thợ thủ công tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh

Các thợ thủ công tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh

Khi hỏi các bậc lão làng ở Phú Vinh về nghề mây tre đan do ai đem về làng thì họ đều không rõ, thế nhưng họ nhớ được là nghề cha truyền con nối này đến nay đã được 400 năm tuổi. Làng xưa có tên gọi là Phú Gia Trang, có một địa danh gọi là bãi Cò Đậu vì có rất nhiều đàn cò đến đây kiếm ăn, đọc lái đi thành Gò Đậu. Lông cò trắng muốt, rụng nhau nên được người dân xung quanh đem về tết thành nón, mũ tặng nhau hoặc đem bán. Thế rồi người mua càng nhiều, họ tìm thêm cỏ lau, cỏ lác hay lên rừng tìm tre, mây, giang…về bện. Qua quá trình sản xuất, mẫu mã các sản phẩm dẫn trở nên đa dạng như rổ, rá, làn,… Đến ngày nay thì càng phát triển hơn để phù hợp với thị hiếu của người dùng.

Những sản phẩm mây tre đan của nghệ nhân làng Phú Vinh được coi là một tác phẩm nghệ thuật. Ở đó đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cùng óc sáng tạo của con người. Chỉ là khâu lựa chọn và chuẩn bị nguyên liệu thôi cũng gồm kha khá công đoạn đòi hỏi cần sự chính xác cao. Hiện nay mây là nguyên liệu chính được sử dụng cho ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ chất lượng cao ở nước ta tạo ra nhiều sản phẩm như bàn ghế, giỏ đựng, những tác phẩm nghệ thuật trang trí,…Độ bền của mây trong điều kiện tốt có thể lên tới 100 năm, vì vậy các sản phẩm mây tre đan bền với thời gian.

Hiện nay mặc dù các công đoạn như cắt tiên, chẻ, tuốt nan,… đã áp dụng máy móc vào để tiết kiệm thời gian và công sức cho người làm. Thế nhưng để sáng tạo ra các sản phẩm chất lượng cao phải sử dụng đến bàn tay khéo léo của con người.

Những sản phẩm mây tre đann trên thị trường

Những sản phẩm mây tre đan trên thị trường

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh ngày nay đang bảo tồn được nghề truyền thống của mình khá tốt. Các sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn chen chân được vào các thị trường khó tính như Pháp, Nhật, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha,… Nếu có dịp ghé thăm làng nghề Phú Vinh, đường quên chọn cho gia đình mình những sản phẩm độc đáo ở đây.

Cách di chuyển đến làng mây tre đan Phú Vình: Để tiện nhất chúng ta nên sử dụng phương tiện cá nhân. Từ quận Hà Đông, đi dọc đường Quang Trung theo hướng quốc lộ 6A đến xã Phú Nghĩa. Bạn sẽ hỏi thăm người dân ở đây để có được chỉ dẫn chính xác nhất.

>>>Xem thêm

Làng nón Chuông – Thanh Oai

Chiếc nón là một trong những hình ảnh biểu tượng của Việt Nam. Nghĩ đến nón là ta sẽ mường tượng ngay đến hình ảnh cô gái Việt Nam duyên dáng, thướt tha với tà áo dài cùng chiếc nón lá che nghiêng. Nón là vật dụng gắn liền với các bà, các mẹ dùng để che mưa, che nắng. Một trong những làng nghề làm nón nổi tiếng ở miền Bắc đó là làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai. Nơi này cách trung tâm thành phố Hà Nội 30km.

Lễ hội nón lá truyền thống làng Chuông

Lễ hội nón lá truyền thống làng Chuông

Theo kể lại thì các cụ trong làng cũng không biết nghề này bắt đầu có từ khi nào và do ai là người đầu tiên đem nghề về làng, chỉ biết là nó có từ rất lâu rồi. Ban đầu nón làm ra chỉ bán cho các bà, các mẹ đi chợ, ra đồng. Sau này khi thấy nó là một vật dụng có ích, người dân làng đã đem bán ra các địa phương xung quanh, nó còn là sản phẩm tiếng cúng cho hoàng hậu cùng các công chúa trong cung. Nón cổ trước kia không giống như bây giờ nhưng không ai còn nhớ nó như thế nào. Có một thời gian nón làng chuông trở nên lép vế hơn so với nón Huế. Sau đó nhờ những cải tiến kĩ thuật và học hỏi ở Ba Đồn (Quảng Bình), nón làng Chuông lại tìm được chỗ đứng trên thị trường. Đây là một trong các làng nghề truyền thống ở Hà Nội.

Nguyên liệu làm nón ở đây chủ yếu từ lá cọ và lá lụi; mo nang lấy từ tre hoặc nứa; khâu nón bằng móc, dứa và cước; dùng dây liếc để cho cạp nón chắc hơn; sợi luồn nhôi buộc quai nón; giấy trang trí bên trong,… Hầu hết nón đều do người phụ nữ trong làng thực hiện, bàn tay khéo léo thoăn thoắt bện lá, làm khung như bàn tay của nghệ nhân múa. Cũng giống như những chiếc áo dài được cách tân để phù hợp với xu hướng thị trường, nón làng chuông cũng được cải tạo với mẫu mã đa dạng và được trang trí bắt mắt.

Nghề làm nón lá truyền thống ở làng Chuông, xã Phương Trung, Thanh Oai

Nghề làm nón lá truyền thống ở làng Chuông, xã Phương Trung, Thanh Oai

Không ồn ào, náo nhiệt như những làng nghề khác, làng Chuông khoác lên mình vẻ yên bình của một vùng quê nông thôn xưa với những mảnh sân phơi đầy những chiếc nón trắng cùng nguyên liệu làm nón. Khách du lịch rất thích các sản phẩm nón ở đây, luôn luôn mua về làm quà, nhất là du khách nước ngoài. Từ đó chiếc nón lá Việt Nam theo chân họ đi khắp muôn nơi.

Cách di chuyển đến làng nón Chuông:

  • Xe bus: Từ trung tâm thành phố có thể bắt xe 103A, 103B đi từ Mỹ Đình. Hoặc có xe 91 từ bến xe Yên Nghĩa đi qua cổng làng Chuông.
  • Phương tiện cá nhân: Từ nội thành đi theo quốc lộ 6 đến Hà Đông, rẽ trái vào Ba La, đi thẳng thêm 15 km theo hướng quốc lộ 22B là thấy cổng làng bên tay phải. Cổng làng khá nhỏ, lẫn với nhà dân nên không dễ nhận ra, hãy hỏi những người dân trên đường để không bị đi quá.

Làng đúc đồng Ngũ Xã – Ba Đình

Sẽ là thiếu sót nếu không liệt kê làng đúc đồng Ngũ Xã vào danh sách các làng nghề truyền thống ở Hà Nội. Đây là một trong số ít những làng nghề truyền thống của kinh thành Thăng Long xưa vẫn còn giữ lại vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Các sản phẩm làm bằng đồng thau được sử dụng thời bấy giờ ở đây hầu hết đều có nguồn gốc từ Ngũ Xã. Làng nằm ngay cạnh hồ Trúc Bạch, phía Tây Hà Nội.

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xá

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xá

Làng nghề này có từ thời Hậu Lê (1428 – 1527) đã có niên đại gần 500 năm tuổi. Cái tên Ngũ Xã được hình thành do sự hợp nhất của người dân 5 xã bao gồm Đông Mai, Châu Mỹ, Long Thượng, Đào Viên và Điện Tiền thuộc hai huyện Văn Lâm – Hải Hưng và Thuận Thành – Hà Bắc. Một số người dân ở 5 xã đã di cư đến Thăng Long và lập nên làng Ngũ Xã, họ tổ chức thành một phường nghề riêng, đó là nghề đúc đồng. Làng nghề này rất nổi tiếng, đi vào câu vè dân gian “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, đúc vàng Định Công, đúc đồng Ngũ Xã”.

Nghề đúc đồng có 3 công việc chính là làm khuôn, nấu đồng và rót đồng. Ở Ngũ Xã có nghệ thuật đúc đồng liền khối rất tinh tế. Bình thường để đúc những sản phẩm kích thước nhỏ đã khó, để đúc thành những sản phẩm lớn thì càng khó hơn. Thế nhưng bằng sự khéo léo, tài năng cùng trí tuệ của mình, những người thợ đã cho ra những tác phẩm để đời. Trong đó phải kể đến tượng thần Trấn Vũ bằng đồng hun đặt tại đền Quán Thánh và pho tượng Phật A Di Đà đặt tại chùa Thần Quang. Đó là những sản phẩm đã đạt đến trình độ chuẩn mực mà không lò đúc nào trên cả nước sánh kịp. Đây chính là niềm tự hào của người dân địa phương.

Tượng Phật A Di Đà chùa Thần Quang

Tượng Phật A Di Đà chùa Thần Quang

Hiện nay khi đến với làng Ngũ Xã chúng ta cũng nhận thấy sự thay đổi nhiều. Số lò đúc dần bị thu hẹp, thay vào đó là quá trình đô thị hóa với những ngôi nhà cao tầng. Các hộ đúc đồng giờ cũng chỉ làm những mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhỏ như mâm đồng, lư đồng, chuông đồng,…Thế nhưng không ai có thể phủ định được những giá trị to lớn của làng nghề truyền thống này đối với nền văn hóa dân tộc.

Cách di chuyển đến làng nghề đúc đồng Ngũ Xã:

  • Xe bus: các tuyến xe bus dừng gần với làng Ngũ Xã gồm xe 50 (dừng tại ngã ba Thanh Niên – Trấn Vũ); các xe 33, 31, 41, 55, 58 (dừng tại đường vào bãi An Dương – Yên Phụ, đối diện Sofitel Plaza hoặc dừng tại gần trường Mạc Đĩnh Chi – Yên Phụ, cách chùa Trấn Quốc 800m).
  • Phương tiện cá nhân: Đi từ Hồ Gươm đến Ngũ Xã theo tuyến đường sau phố Chả Cá – Hàng Lược – Hàng Than – rẽ trái vào Nguyễn Khắc Nhu. Đi hết đường sẽ thấy làng Ngũ Xá.

Trên đây là top 5 các làng nghề truyền thống ở Hà Nội. Nếu có dịp ghé thăm thủ đô ngàn năm văn hiến, đừng quên tham quan và khám phá những ngôi làng cổ với các nghệ nhân vẫn ngày đêm sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật của mình. Để nhớ lại một thời hoàng kim trong lịch sử của những làng nghề như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, nón làng Chuông hay nghề đúc đồng Ngũ Xã.

2.1/5 - (139 votes)